Phân biệt u lành và ung thư vú

Muốn phân biệt được u vú lành tính hay ác tính thì phải làm gì? Có thuốc Đông y nào chữa khỏi được bệnh ung thư vú hay nhất thiết phải phẫu thuật?

Phạm Thị Hòa (Sơn La)

Ung thư vú là một trong các nguyên nhân gây tử vong cao nhất cho phụ nữ tuổi 40 - 54 nhưng là loại ung thư có thể điều trị khỏi. Muốn biết u vú lành tính hay ác tính (ung thư) phải khám xét lâm sàng và kèm theo các biện pháp thăm dò. U lành thường gặp ở những người trẻ dưới 30 tuổi, u phát triển chậm, di động dễ dàng, không dính vào da và không dính vào lớp sâu, bờ u rõ ràng. Nếu u ác tính: mật độ rắn, to nhanh, di động hạn chế, bờ xung quanh không nhẵn có thể dính vào da hoặc vào lớp sâu, thường gặp ở người trên 40 tuổi. 

Muốn xác định ngoài việc khám xét lâm sàng phải tiến hành một số xét nghiệm như: chọc hút để thử tế bào vú, chụp Xquang vú bằng máy tia mềm, siêu âm vú... Điều trị ung thư vú người ta căn cứ vào giai đoạn của bệnh mà phối hợp tia xạ, phẫu thuật cắt bỏ vú, chạy tia trước hay sau phẫu thuật... Tóm lại, phẫu thuật cắt bỏ u hay toàn bộ vú tùy giai đoạn là rất cần thiết. Còn thuốc Đông y chỉ để điều trị hỗ trợ nâng cao sức đề kháng trước hoặc sau khi đã phẫu thuật cắt bỏ u.

BS. Trần Thị Hạnh

U carcinoid - một dạng ung thư đặc biệt



Carcinoid là các thể ung thư bất thường, tiến triển chậm, nó thường xuất phát từ nhiều cơ quan trong cơ thể nhưng chủ yếu là từ đường tiêu hóa (ruột thừa, dạ dày, ruột non, đại tràng, trực tràng...) và từ phổi, ngoài ra có thể từ buồng trứng và tinh hoàn.

Các u carcinoid có nhiều điểm khác với các loại benh ung thu thông thường. Nó phát triển rất chậm và ít khi có triệu chứng trừ khi ở giai đoạn muộn. Ngay cả khi xem dưới kính hiển vi thì các u carcinoid vẫn có vẻ như bình thường, thậm chí ở cả giai đoạn nó đã có di căn. U carcinoid có thể sản xuất và phóng thích các hormon vào cơ thể và gây ra các triệu chứng bất thường, ví dụ như tiêu chảy hay cơn nóng bừng mặt. 

Biểu hiện của bệnh

Ở giai đoạn sớm không có triệu chứng nên rất khó chẩn đoán sớm các u carcinoid. Trong nhiều trường hợp, u carcinoid được phát hiện tình cờ khi thăm khám bệnh khác. Tùy vị trí của khối u mà có các biểu hiện như:
U carcinoid đường tiêu hóa: u ở dạ dày: đau bụng; u ở ruột non và đại tràng: rối loạn nhu động ruột, đau bụng hoặc đôi khi gây tắc ruột; u ở trực tràng: đau và chảy máu trực tràng.
U carcinoid ở phổi: Viêm phổi tái phát, ho và đau ngực. Một số trường hợp gây ho ra máu.
Các triệu chứng có thể là do u carcinoid: Có cơn nóng bừng mặt cổ; tiêu chảy nhiều và kéo dài; khó thở, thở có tiếng rít; tim đập nhanh và mạnh; mệt mỏi; sưng chân và vùng mắt cá; đau bụng hoặc đầy bụng.
Tất cả những triệu chứng trên không đặc hiệu với u carcinoid, có thể do nhiều bệnh lý khác gây nên. Tuy nhiên nếu nó kéo dài và tăng lên thì phải đi khám ngay.

Nguyên nhân gây u

Chưa rõ nguyên nhân gây u carcinoid. U carcinoid xuất phát từ các tế bào thuộc hệ thần kinh nội tiết nên nó vừa có khả năng tiết hormon vừa có những đặc tính giống như tế bào thần kinh. Trong hệ tiêu hóa các tế bào nội tiết thần kinh có tác dụng điều hòa giải phóng các chất dịch tiêu hóa, kiểm soát sự vận chuyển thức ăn ở dạ dày và ruột, ngoài ra có thể giúp kiểm soát sự phát triển của các loại tế bào khác trong hệ tiêu hóa. Còn ở phổi, các tế bào nội tiết thần kinh giúp kiểm soát dòng khí và máu, và có thể kiểm soát sự phát triển của các tế bào phổi khác. U carcinoid xuất hiện khi những tế bào thần kinh nội tiết này bị biến đổi và phát triển quá mạnh. Đầu tiên các u carcinoid rất nhỏ và phát triển chậm. Chưa rõ nguyên nhân nào khiến u phát triển nhanh hơn, gây ra các triệu chứng trong khi một số trường hợp u vẫn nhỏ và không có biểu hiện gì.

Mặc dù u carcinoid có thể xuất hiện ở bất kỳ lứa tuổi nào nhưng nó phổ biến hơn ở người già. U carcinoid gặp nhiều ở nữ hơn nam. Bố mẹ có u carcinoid thì con dễ bị hơn. Ngoài ra tiền sử gia đình bị bệnh đa u tuyến nội tiết týp 1 cũng được coi là yếu tố nguy cơ của carcinoid. Hút thuốc lá làm tăng nguy cơ bị u carcinoid ở phổi. Các bệnh lý khác như dạ dày không sản xuất được acid, viêm dạ dày, hay bệnh thiếu máu ác tính... làm tăng nguy cơ bị carcinoid đường tiêu hóa.

Những biến chứng của bệnh

Tim mạch: Các hormon carcinoid có thể gây dày lớp nội mạc của các buồng tim, van tim và mạch máu. Điều đặc biệt là buồng tim bên phải hay bị ảnh hưởng hơn so với bên trái. Hậu quả là gây hở các van 2 lá và van 3 lá nhưng lại gây hẹp van động mạch phổi. Nếu không được điều trị thì các bệnh lý này có thể gây phì đại tim và suy tim.

Hội chứng Cushing: U carcinoid ở phổi có khả năng sản xuất quá nhiều hormon ACTH, từ đó kích thích tuyến thượng thận sản xuất quá nhiều hormon cortisol. Nếu tình trạng này kéo dài sẽ gây ra hội chứng Cushing.

Bệnh to đầu chi: U carcinoid phổi cũng có khả năng sản xuất quá nhiều hormon tăng trưởng GH gây ra bệnh to đầu chi (Acromegaly).

Tắc ruột: Các u carcinoid lớn ở ruột có thể gây tắc nghẽn ruột, nếu kéo dài có thể gây hoại tử ruột chỗ bị tắc dẫn đến thủng ruột, nhiễm khuẩn và shock nặng với tỷ lệ tử vong cao.

Loét dạ dày: Một số u carcinoid ở dạ dày tiết quá nhiều hormon gastrin kích thích dạ dày sản xuất nhiều acid. Hậu quả là dạ dày có nhiều ổ loét, gây xuất huyết, thậm chí thủng... được gọi là hội chứng Zollinger-Ellison.

Các phương pháp điều trị

Phương pháp điều trị u carcinoid phụ thuộc vào đã có di căn hay chưa. Nếu chưa có di căn thì chỉ cần phẫu thuật lấy khối u là đủ. Còn nếu đã có di căn thì phương pháp điều trị lại khác, bao gồm:

Làm chậm phát triển của khối u: Tiêm thuốc octreotid (sandostatin) hàng tháng có thể làm chậm tốc độ phát triển khối u và làm giảm các triệu chứng như nóng bừng mặt hay tiêu chảy. 

Can thiệp làm ngừng cấp máu cho khối u di căn vào gan bằng cách làm tắc động mạch gan. Thủ thuật này có một số nguy cơ nên các thầy thuốc sẽ phải trao đổi kỹ với người bệnh.

Giết các tế bào ung thư bằng nhiệt: Sử dụng sóng radio để tạo ra nhiệt năng truyền qua 1 cái kim áp sát tế bào ung thư ở gan để tiêu diệt các tế bào này. Phương pháp này được chỉ định cho những bệnh nhân có một số ổ di căn nhỏ ở gan. Nó khá an toàn, nguy cơ bị nhiễm khuẩn hay chảy máu thấp.

Hóa chất: cũng có tác dụng tiêu diệt và làm nhỏ khối u.

ThS. Nguyễn Quang Bảy

Selen làm giảm nguy cơ mắc ung thư đường ruột

Một nghiên cứu mới đây được tiến hành tại Viện nghiên cứu ung thư của Mỹ vừa phát hiện ra tác dụng của selenium đối với sức khỏe và việc phòng bệnh ung thư của con người. Theo kết quả nghiên cứu này, thì chất selenium - một chất khoáng có chứa nhiều trong não động vật, các loại hạt, thịt... là một trong những thành phần có tác dụng ngăn chặn nguy cơ mắc chứng ung thư đường ruột rất hiệu quả ở con người.

Các nhà khoa học thuộc Trường Dartmouth - Mỹ đã thử so sánh tác dụng của chất selenium đối với cơ thể của hàng trăm người tham gia vào nghiên cứu. Nhóm thứ nhất gồm 767 người bị mắc bệnh ung thư đường ruột và nhóm thứ hai gồm hơn 1.000 người hoàn toàn khỏe mạnh. Kết quả là nồng độ chất selenium trong máu của những người thuộc nhóm thứ hai cao hơn hẳn những người thuộc nhóm một. Ngoài ra, trong số những người thuộc nhóm hai, các nhà khoa học đặc biệt chú ý tới những trường hợp mà trong cơ thể họ có chứa gen gây ung thư đường ruột - p53, những phụ nữ và những người có thói quen hút thuốc lá. Kết quả là chất selenium có tác dụng làm giảm tới 34% nguy cơ mắc ung thư đường ruột cho phụ nữ, 39% ở những người hút thuốc lá và khoảng 43% ở những người mà cơ thể có chứa gen p53.


Thành Vương (Theo ScienceDaily 

Phát hiện sớm ung thư đại trực tràng

Thỉnh thoảng tôi đi tiêu có máu ra theo phân, đi khám nghi bị ung thư đại trực tràng. Xin quý báo cho biết cách phát hiện sớm bệnh này và cách chữa ở đâu?

Nguyễn Văn Bền (Quảng Trị)

Ung thư đại trực tràng là bệnh ung thư phổ biến thứ 3 trên thế giới và ở nước ta bệnh cũng có xu hướng tăng nhanh trong những năm gần đây. Bệnh có liên quan chặt chẽ với chế độ dinh dưỡng, nếu được phát hiện sớm bệnh có tỷ lệ chữa khỏi cao. Chế độ ăn không hợp lý, nhiều chất béo ít chất xơ làm tăng nguy cơ mắc bệnh; bệnh viêm nhiễm đại trực tràng lâu ngày như bị viêm loét chảy máu có liên quan đến ung thư trực tràng; những người trước đây mắc bệnh polýp đại trực tràng có tỷ lệ mắc bệnh cao gấp 10 lần so với người bình thường. Các dấu hiệu cần chú ý để phát hiện bệnh là: thấy phân thay đổi, ví dụ phân dẹt không thành khuôn tròn như trước; chảy máu trực tràng; tăng áp lực trong trực tràng như cảm thấy tức, nặng vùng bụng dưới; đau bụng bất thường. Để phát hiện sớm bệnh, từ 40 tuổi trở lên nên khám trực tràng mỗi năm một lần; xét nghiệm kiểm tra máu trong phân định kỳ và khám đại tràng hằng năm; Bạn nên đi khám ở bệnh viện có chuyên khoa ung bướu để được chẩn đoán và điều trị sớm.

BS. Phạm Quốc Tuấn

Hội chứng Peutz-Jeghers và nguy cơ ung thư

Hội chứng Peutz-Jeghers (PJS) là một bệnh di truyền làm phát triển các khối u hamartomatous trong đường tiêu hóa, ở vú và các loại ung thư khác. Hamartoma là một sự tăng trưởng của mô bình thường thành một khối u lành tính hoặc ung thư.

Đột biến gen gây bệnh

PJS là một bệnh di truyền do gen STK11 đột biến làm cho bệnh nhân gia tăng nguy cơ phát triển bệnh ung thư trực tràng và các ung thư khác. PJS do gen trội gây ra, cho nên con cái của một cặp vợ chồng trong đó cha hoặc mẹ bị đột biến gen thì có 50% khả năng kế thừa sự đột biến đó. Ngoài ra, người ta còn thấy có một loại PJS không liên quan đến đột biến gen STK11.

 Hình ảnh nội soi cho thấy có nhiều khối u phát triển trong ruột.
Các dấu hiệu phát hiện PJS

Bệnh nhân bị hội chứng PJS thường có các triệu chứng sau đây: có những đốm sắc tố màu hơi nâu hoặc hơi xanh xám trên môi, nướu răng, niêm mạc miệng hoặc trên da, hay gặp ở ngón tay hoặc ngón chân; Đau thắt ở vùng bụng; Thường có máu trong phân nhìn thấy bằng mắt thường; Hay nôn mửa; Bệnh nhân thường có nhiều khối u phát triển chủ yếu ở ruột non hay trong ruột kết. Nội soi sẽ thấy các polyp đại tràng. Chụp Xquang ruột non sử dụng thuốc cản quang hoặc nội soi sẽ thấy nhiều khối u trong ruột non.

Bệnh nhân có thể bị lồng ruột với các triệu chứng: đau bụng đột ngột, dữ dội, trẻ ưỡn người, xoắn vặn, ban đêm cơn đau đánh thức trẻ dậy, bỏ chơi, bỏ bú, mỗi cơn đau kéo dài 5-15 phút, cơn đau mất đi đột ngột. Sau cơn đau, trẻ có thể lại tiếp tục bú hoặc chơi nhưng các triệu chứng lại tái diễn sau giây lát. Nôn ra thức ăn, nôn ra dịch xanh hoặc vàng. Đại tiện ra máu: là dấu hiệu muộn, máu lẫn chất nhầy, có thể đỏ hoặc nâu và cũng có thể có vài giọt máu tươi chảy ra hậu môn. Bí trung - đại tiện vì khối lồng gây tắc ruột hoàn toàn hoặc khi ruột không tắc hoàn toàn, bệnh nhân vẫn tiếp tục đại tiện được. Sờ thấy khối lồng: lúc bệnh nhân dịu cơn đau, sờ thấy khối lồng là một khối dài, di động, chắc mặt nhẵn, đau khi ấn. Bệnh nhân thường mệt lả, ít hoạt động. Nhiệt độ có thể tăng cao. Chụp Xquang cho thấy hình ảnh khối lồng ruột. Siêu âm thấy hình ảnh khối lồng.

Chẩn đoán xác định PJS dựa vào các triệu chứng: phát hiện một hoặc nhiều polyp hamartomatous trong đường tiêu hóa; kết hợp với hai trong những dấu hiệu sau đây: polyp trong ruột non; điểm tàn nhang ở miệng, môi, ngón tay, ngón chân. Có người thân trong gia đình có tiền sử bị PJS và có tàn nhang đặc trưng. Xét nghiệm máu để tìm một đột biến trong STK11 gen.

Điều trị và phòng bệnh

Điều trị hội chứng PJS chủ yếu là dùng phẫu thuật để cắt bỏ các polyp và phòng tránh ung thư hóa của các polyp này. Bệnh nhân mắc hội chứng Peutz-Jeghers thường phải thực hiện nhiều lần phẫu thuật trong đời. Có thể phẫu thuật mổ hở hoặc mổ nội soi để giải quyết những vấn đề của đường tiêu hóa và ngoài đường tiêu hóa. Nội soi cắt polyp nhỏ và mổ hở cắt polýp lớn, nếu cần có thể phải cắt một đoạn ruột. Mở bụng và cắt một đoạn ruột do biến chứng của lồng ruột, tắc ruột hay xuất huyết tiêu hóa liên tục. Phẫu thuật để thám sát chẩn đoán và điều trị bệnh ung thư ngoài ống tiêu hóa.

Tuy nhiên, sau phẫu thuật có thể gặp một số biến chứng như: dính và tắc ruột hoặc hội chứng ruột ngắn do phẫu thuật bụng nhiều lần.

Phòng bệnh: sàng lọc ung thư liên quan đến PJS như nội soi tiêu hóa để tìm kiếm khối u hoặc những bất thường khác từ lúc 10 tuổi và định kỳ 2 năm/lần đối với người trưởng thành. Nội soi, siêu âm bụng để phát hiện ung thư tuyến tụy, bắt đầu ở tuổi 30 và định kỳ 1-2 năm/lần. Sàng lọc ung thư cho phụ nữ có PJS: tự kiểm tra vú hàng tháng, kiểm tra vú hàng năm ở bệnh viện, bắt đầu ở tuổi 20. Chụp nhũ ảnh mỗi 2-3 năm, bắt đầu ở tuổi 20, sau đó chụp hàng năm, bắt đầu ở tuổi 40. Khám phụ khoa hàng năm, làm xét nghiệm Pap, siêu âm qua đường âm đạo, sinh thiết tử cung, bắt đầu ở tuổi 20. Sàng lọc ung thư cho người đàn ông với PJS: hàng năm kiểm tra và siêu âm tinh hoàn, bắt đầu từ tuổi 20, sau định kỳ mỗi năm 1 lần.     


ThS. Nguyễn Xuân Lãm

Phát hiện ung thư bàng quang nhờ mùi nước tiểu



Các nhà khoa học Anh đã chế tạo ra một loại thiết bị có thể “ngửi” mẫu nước tiểu để phát hiện bệnh ung thư bàng quang. Thiết bị này sử dụng cảm biến để phát hiện các chất khí tỏa ra từ nước tiểu khi có sự xuất hiện của tế bào ung thư.

Để kiểm nghiệm thiết bị, các nhà nghiên cứu sử dụng 98 mẫu nước tiểu, trong đó 24 mẫu là của những người đàn ông bị bệnh ung thư bàng quang và 74 mẫu còn lại của những người đàn ông có vấn đề về bàng quang, song không bị ung thư. Các thử nghiệm cho thấy, thiết bị kiểm tra đưa ra kết quả chính xác tới 96%. Theo GS. Chris Probert thuộc Đại học Liverpool và GS. Norman Ratcliffe thuộc Đại học West of England, thiết bị này có thể đọc được mùi ung thư “nó đọc được khí mà các hóa chất trong nước tiểu tỏa ra khi mẫu nước tiểu được đun nóng”.

Tuy nhiên, GS. Probert cũng cho biết, cần kiểm tra độ chính xác của máy trên một phạm vi rộng hơn trước khi đưa vào dùng trong bệnh viện.

PH (Theo Science Daily, 9/7/2013)

Khói xe làm tăng nguy cơ ung thư phổi



 Khói xe làm tăng nguy cơ ung thư phổi
Nghiên cứu mới đăng tải trên tạp chí The Lancet công bố kết quả phân tích dữ liệu từ 313.000 cá nhân cho thấy, tiếp xúc thường xuyên với khói xe làm tăng nguy cơ bệnh ung thư phổi. 

Khói xe làm tăng nguy cơ ung thư phổi 1


Các hạt PM10s có trong 10 microgram của 1m3 không khí làm tăng 22% nguy cơ bệnh ung thư phổi. Các hạt PM 2.5s trong 5 microgram của 1m3 không khí tăng 18% nguy cơ ung thư phổi. Theo TS. Ole Raaschou, Trung tâm Nghiên cứu thuộc Hiệp hội Ung thư Đan Mạch cho biết, mức độ khói xe hít phải dù thấp hay cao đều làm tăng nguy cơ ung thư phổi đồng thời nó còn là nguyên nhân dẫn đến các vấn đề về tim mạch.
M.H (Theo Daily Mail, 7 2013)

Ung thư thực quản, uống thuốc hay phẫu thuật?

Cho đến nay, ung thư thực quản vẫn là một bệnh hay gặp, nằm trong 10 bệnh ung thư hàng đầu tại Việt Nam. Phần lớn các bệnh nhân ung thư thực quản thường trên 50 tuổi, nhiều nhất là ở tuổi 60 - 70 và phái nam vẫn chiếm ưu thế nhiều gấp 2 - 5 lần phụ nữ.

Một yếu tố liên quan khá chặt chẽ đến sự phát sinh của bệnh là thói quen và chế độ ăn uống. Các chế độ ăn các loại thức ăn có chứa nhiều chất Nitrosamin trong rau ngâm dấm và thịt xông khói, hoặc thói quen uống các loại nước có cồn và hút thuốc lá nhiều của những cư dân phương Tây là nguyên nhân chính gây nên bệnh đã được xác  minh. Ngoài ra, một số vùng thức ăn và nguồn nước uống thiếu các chất vi lượng như: kẽm, molybeden… cũng là tiền đề cho bệnh ung thư thực quản xuất hiện.

Một số nguyên nhân khác có thể gây nên bệnh được nhiều tác giả trong và ngoài nước đề cập đến: những tổn thương tiền ung thư của thực quản như co thắt tâm vị, viêm thực quản trào ngược, teo hẹp thực quản do bỏng…; một số bệnh có tính di truyền khác như bệnh Tylosis với đặc điểm gây sừng hóa lòng bàn tay và bàn chân.

Ung thư thực quản hay xảy ra ở đoạn nào nhất?

Các nhà giải phẫu và lâm sàng chia thực quản ra làm hai đoạn: thực quản cổ và thực quản nằm trong lồng ngực. Trong đó, đoạn thực quản nằm trong lồng ngực lại được chia làm 3 đoạn: đoạn trên, đoạn giữa và đoạn dưới. Về mặt thực hành điều trị, các bác sĩ thấy rằng ung thực quản đoạn giữa trong lồng ngực có tỉ lệ mắc bệnh cao nhất, chiếm 32% và gây nhiều khó khăn cũng như các biến chứng trong điều trị nhất. Nguyên nhân, ở đoạn này thực quản nằm sát các cơ quan quyết định sự tồn tại của con người như: khí quản, cung động mạch chủ.

Những triệu chứng cảnh báo

Triệu chứng hay gặp nhất là nuốt khó, bắt đầu với các thức ăn cứng về sau là các thức ăn lỏng và cuối cùng là cả với nước bọt cũng rất khó nuốt. Sụt cân và mệt mỏi cũng là các triệu chứng hay thường gặp. Một số bệnh nhân bị viêm phổi do hít từ những thức ăn đọng lại trong thực quản , tùy theo vị trí và mức độ xâm lấn của u thực quản mà có thêm các triệu chứng của liệt dây thần kinh quặt ngược,gây khàn tiếng, khó thở hoặc  xâm lấn vào khí phế quản gây sặc, ngạt có thể tử vong. Các triệu chứng trở nên rõ ràng khi khối u ăn hết lòng của thực quản.

Vấn đề chẩn đoán sớm là rất quan trọng nhất là đối với những bệnh nhân trên 50 tuổi, có những vấn đề than phiền về nuốt khó hoặc  đau khi nuốt. Những bệnh nhân này, khi có những dấu hiệu rối loạn về nuốt cần phải đi khám bệnh và được đánh giá cụ thể bởi một bác sĩ chuyên khoa về tiêu hóa hoặc Phẫu thuật Lồng ngực và Tim mạch.

Phần lớn, các bệnh nhân ung thư thực quản nếu không được điều trị đều chết trong tình trạng suy kiệt vì không ăn uống được, mặc dù rất thèm ăn và bên cạnh có rất nhiều thức ăn ngon. 

Khi đó, nếu bạn được khám bởi một bác sĩ có kinh nghiệm thì  xét nghiệm đầu tiên cần nghĩ đến là nội soi thực quản để loại trừ các tổn thương ác tính. Chụp thực quản với thuốc cản quang cũng cho phép chẩn đoán chính xác với độ dương tính cao, hình ảnh thường gặp là các hình khuyết của niêm mạc. Tuy nhiên, hình ảnh giãn to phía trên khối u chỉ hay gặp ở các khối u lành tính của thực quản mà ít gặp trong trường hợp u ác tính. Ngoài việc xác định chẩn đoán bằng nội soi thực quản có khi còn cần phải nội soi phế quản bổ sung. Việc sinh thiết và làm giải phẫu bệnh là rất quan trọng trong quá trình chẩn đoán bệnh, với kết quả thu được, người thầy thuốc sẽ xác định được tiên lượng của bệnh và chọn lựa phương pháp điều trị thích hợp cho bệnh nhân.
Tuy là xét nghiệm khá đắt tiền, nhưng không thể thiếu được đối với người bác sĩ phẫu thuật là kỹ thuật chụp X-quang cắt lớp điện toán (CT Scan) với những thông số thu thập được, chúng tôi sẽ quyết định có phẫu thuật triệt để, phẫu thuật nuôi ăn tạm thời hay chỉ điều trị nội khoa nâng đỡ những ngày cuối cùng cho bệnh nhân mà thôi.

Uống thuốc hay phẫu thuật?

Phần lớn những bệnh nhân của chúng tôi nói riêng và bệnh nhân Việt Nam nói chung đều rất sợ mổ. Họ và cả thân nhân đều coi mổ là một cái gì ghê gớm lắm, đáng sợ lắm, nguy hiểm lắm. Quan niệm trên hoàn toàn trái ngược với các quốc gia trên thế giới, nguyên nhân là tại sao? Xin dành câu trả lời ấy cho các nhà xã hội học và tâm lý học.

Trở lại với những bệnh nhân ung thư thực quản, trải qua một thời gian dài phát triển của y học, cho đến ngày hôm nay không có một phương pháp điều trị chỉ uống thuốc đơn thuần có thể làm khỏi bệnh. Có ba phương pháp chính để điều trị: xạ trị, hóa trị và phẫu thuật, trong đó phẫu thuật là phương pháp điều trị chính cho kết quả tốt và tạo cho người bệnh một cuộc sống tương đối tốt vào những ngày cuối cùng của cuộc đời.

Các phương pháp phẫu thuật chính

Phẫu thuật triệt để: cắt bỏ toàn bộ thực quản và tái tạo thực quản mới bằng dạ dày. Đây là phương pháp tốt nhất giúp người bệnh kéo dài  và nâng cao chất lượng cuộc sống. Do tính chất khó khăn và phức tạp của phẫu thuật nên thời gian cuộc  mổ thường kéo dài 5 - 6 giờ và bệnh nhân phải được đánh giá kỹ xem có khả năng chịu đựng được cuộc mổ hay không.

Phẫu thuật tạo thực quản giả bằng đại tràng, không cắt bỏ khối ung thư: với phẫu thuật này, tiên lượng bệnh không thay đổi vì không cắt bỏ được khối ung thư, phẫu thuật chỉ giúp cho bệnh nhân có thể ăn uống bằng đường miệng, nhưng cũng khó khăn. Có một thời gian, loại phẫu thuật này khá thịnh hành ở một số bệnh viện tại TP.HCM, cho đến nay ít người sử dụng.

Một loại phẫu thuật nữa mang tính chất tạm thời, giúp bệnh nhân không bị chết đói là kỹ thuật mở thông ruột non hay dạ dày nuôi ăn. Qua một ống thông được đưa vào dạ dày hay ruột non, người ta bơm các loại thức ăn lỏng vào ống tiêu hóa giúp cho bệnh nhân sống được thay vì ăn bằng đường miệng. Loại phẫu thuật này thường áp dụng cho những bệnh nhân có các dấu hiệu nặng không thể tiến hành cuộc mổ triệt để như:

- Bệnh nhân đã có các biến chứng do bướu ăn lan: khàn tiếng, khó thở do liệt dây thần kinh quặt ngược, hội chứng Horner, đau cột sống dai dẳng do di căn, liệt cơ hoành do tổn thương thần kinh, rò thực quản - khí quản và tràn dịch màng phổi ác tính.

- Khối ung thư thực quản quá lớn: dài trên 8cm và yếu tố dinh dưỡng sụt trên 20% cân nặng trong thời gian một tháng.

Một kỹ thuật mới cũng đã được một số bệnh viện dùng cho những bệnh nhân ở giai đoạn không thể phẫu thuật triệt để được, đó là đặt khung đỡ qua đường nội soi thực quản. Kỹ thuật này cũng chỉ mang tính tạm thời, kéo dài vài ba tháng và giá thành cũng khá đắt so với mặt bằng thu nhập của người dân Việt Nam.


PGS.TS.BS. NGUYỄN HOÀI NAM